Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường đến năm 2025

I. Tình hình nhà trường

1. Những thành tích nổi bật

Trường được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia vào năm 2009;

Đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm học 2011 - 2012.

Được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai năm 2012.

Trường được công nhận duy trì chuẩn cấp THCS vào năm học 2014 – 2015.

Tỉ lệ học sinh giỏi toàn diện hàng năm đều từ 10% trở lên; tỉ lệ học sinh Khá, Giỏi đề từ 70% trở lên.

Nhà trường có 07 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh khối THCS năm học 2014 – 2015 và có 04 giáo viên THPT đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2015 - 2016 (Do được điều động về khi thành lập trường).

2. Những bất cập, tồn tại, yếu kém

Nhà trường đang trong giai đoạn chuyển giao từ chỉ có 01 cấp học THCS (năm học 2015 – 2016) đến có 02 cấp học (thêm cấp học THPT năm học 2016 - 2017) nên một số giáo viên đang dạy THCS được phân công dạy THPT gặp một số khó khăn về kiến thức. Một bộ phận nhỏ cán bộ giáo viên còn hạn chế về nhận thức nên không cố gắng tự bồi dưỡng chuyên môn, đa số giáo viên trình độ CNTT thấp.

Cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp; lớp học diện tích nhỏ không phù hợp cho việc áp dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại; phòng thực hành Tin học nhiều máy tính bị hỏng, hệ thống dây điện không còn đảm bảo an toàn; phòng học tiếng hệ thống micrphone không còn sử dụng được; phòng thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học không phù hợp; khu kí túc xá đã bị xuống cấp nghiêm trọng; sân chơi bãi tập nhỏ hẹp không đủ để học sinh hoạt động; khu hiệu bộ không đủ phòng làm việc; các tổ chuyên môn không có phòng họp, không có phòng chờ cho giáo viên. Kí túc xá học sinh bị xuống cấp nghiêm trọng, không đủ chỗ ở cho học sinh ở vì số học sinh tăng thêm 210.

Đa số phụ huynh ở xa, một số phụ huynh ở khu vực không có sóng điện thoại hoặc sóng yếu nên việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.

Học sinh lớp 6 tuyển mới, lần đầu tiên phải sống xa bố mẹ, phải tự lập, bị thay đổi cách sinh hoạt không theo tập tục của dân tộc mình giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên việc giáo dục học sinh lớp 6 còn gặp nhiều khó khăn.

II. Mục tiêu phát triển nhà trường

1. Mục tiêu tổng quát

Sứ mệnh của nhà trường là góp phần xây dựng các thế hệ công dân người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Yên có đẩy đủ phẩm chất, năng lực để thành công, có khả năng hội nhập đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Tầm nhìn đến năm 2020, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng mức độ 2 và đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2025 phấn đấu đạt chuẩn kiểm định chất lượng mức độ 3 và duy trì đạt chuẩn quốc gia, xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp, chất lượng, cảnh quan trường học đẹp, là điểm đến học tập của nhiều đơn vị trường học trong khu vực và trên toàn quốc.

Nhà trường tập trung xây dựng và giáo dục học sinh hình thành 6 giá trị cốt lõi sau:

“Trí tuệ - Trung thực – Chủ động – Sáng tạo – Hợp tác – Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”

1) Trí tuệ

- Ham hiểu biết và luôn chủ động học tập để đạt kết quả cao nhất.

- Đề cao năng lực tư duy logic, tư duy phân tích và phản biện để thấu hiểu vấn đề và hành động có trách nhiệm.

- Suy nghĩ thực tế, luôn tìm cách ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

2) Trung thực

- Thật thà, ngay thẳng trong học tập, trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất.

- Không nói dối; luôn giữ lời hứa với bạn bè, thầy cô, người thân và người xung quanh.

- Không tự tiện lấy đồ vật, tiền bạc của người thân, bạn bè, thầy cô và mọi người.

- Dũng cảm nói không với điều sai trái, tôn trọng và bảo vệ sự thật.

3) Chủ động

- Năng động, tự tin thể hiện mình, dám nêu ý kiến và bảo vệ chính kiến của mình.

- Chủ động giao lưu, sẵn sàng chia sẻ, hội nhập văn hóa, là nhân tố tạo ảnh hưởng tích cực tới bạn bè và cộng đồng.

- Có đam mê, khao khát thành công và biết hành động hướng tới mục tiêu.

4) Sáng tạo

- Suy nghĩ độc lập, có ý tưởng và cách giải quyết vấn đề của riêng mình.

- Dám thử nghiệm những điều mới và không sợ thất bại.

- Khuyến khích và đón nhận những ý tưởng khác biệt.

5)  Hợp tác

- Đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện.

- Yêu nước và tự tôn dân tộc, sẵn sàng hành động vì tập thể, vì cộng đồng.

- Biết cách học hỏi từ gia đình, bạn bè, thầy cô và xã hội, biết chắt lọc tinh hoa từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, sẵn sàng hội nhập.

6) Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

- Biết giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, lên án những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với xã hội hiện đại.

- Tôn trọng văn hóa các dân tộc khác, không gây mất đoàn kết dẫn đến xung đột văn hóa giữa các dân tộc anh em trong nhà trường.

- Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa của nhà trường và của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020:

2.1. Chất lượng đội ngũ

- Đảng viên: 25

- CBQL, giáo viên có trình độ trung cấp LLCC: 05

- CBQL, giáo viên có trình độ Thạc sĩ: 05

- Giáo viên THPT hạng II: 05

- 100% giáo viên THCS có trình độ Đại học.

- Có ít nhất 50% nhân viên nuôi dưỡng được bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.2. Chất lượng giáo dục toàn diện

- Xếp loại học lực (hoặc hoàn thành năng lực) hàng năm:

          + Giỏi: Từ 10% trở lên    + Khá: Từ 70% trở lên    + Tb: <20%

- Xếp loại hạnh kiểm (hoặc hoàn thành phẩm chất) hàng năm:

          + Tốt, Khá >= 90%         + Tb= <10%.

- Tỉ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp và thi đỗ vào THPT DTNT tỉnh, PTDTNT huyện và THPT: 100%

- Tỉ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT hàng năm: 100%.

- Tỉ lệ học sinh đỗ Đại học: 15% trở lên.

- Tỉ lệ học sinh đi học nghề trình độ trung cấp trở lên: 60%.

2.3. Cơ sở vật  chất

- Nhà lớp học: Tham mưu với Sở GD&ĐT để sớm hoàn thành dự án xây dựng trường mới, chậm nhất vào năm 2020.

- Khuôn viên nhà trường: Xanh, sạch, đẹp được thiết kế tổng thể, theo phong cách hiện đại.

- Khu sản xuất:

+ Khu nuôi cá: Đẹp, chuyên nghiệp mang tính giáo dục cao; nuôi cá theo mô hình thực phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất hoặc thức ăn có chất tăng trọng hoặc chất kích thích sinh trưởng.

+ Khu nuôi lợn: Được thiết kế hiện đại, sử dụng đệm sinh học để khử mùi, có bể biogas để làm khí đốt, có hệ thống vòi nước để lợn uống nước tự động. Lợn được nuôi theo phương pháp hữu cơ, thức ăn có nguồn gốc tự nhiên như rau hữu cơ (tự sản xuất), thức ăn lên men tự nhiên từ khoai, ngô, sắn.

+ Khu nuôi gia cầm: Được thiết kế đẹp mắt, có chuồng nuôi, có khu trồng cỏ, bên ngoài có quây lưới B40.

+ Khu trồng trọt: Có hệ thống tưới bán tự động. Rau được trồng bằng phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn của hiệp hội organic thế giới, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Phân bón cho rau được lấy từ nguồn đệm sinh học đã qua xử lý sạch nguồn bệnh, rơm rạ được ủ mục bằng chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoặc thuốc trừ sâu dân gian.

2.4. Mô hình trường học gắn với thực tiễn: Xây dựng mô hình trường học theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao (Mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh)

Đến năm 2025:

- Chất lượng đội ngũ: 100% giáo viên THCS có trình độ từ Đại học trở lên; giáo viên THPT có ít nhất 10% đạt trình độ Thạc sĩ; có ít nhất 10% CBQL, giáo viên có trình độ trung cấp LLCC; 100% cán bộ cấp dưỡng được bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chất lượng giáo dục của nhà trường ổn định và xếp tốp 3 trong hệ thống trường PTDTNT trong toàn tỉnh.

- Cơ sở vật chất nhà trường hiện đại có đủ phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành, khu luyện tập thể dục thể thao, hoàn chỉnh hệ thống khuôn viên theo thiết kế quy hoạch.

III. Các giải pháp phát triển nhà trường giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025

1. Đổi mới quản lý giáo dục

Quản lý con người đi đôi với quản lý công việc, quản lý kế hoạch và quản lý chiến lược. Giao chỉ tiêu, kế hoạch cho từng tổ chức, từng vị trí việc làm, gắn việc đánh giá xếp loại công chức, viên chức và thi đua với hiệu quả công việc cuối kỳ, cuối năm học (So sánh với chỉ tiêu được giao).

          Quản lý giáo dục không chỉ quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược. Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của Lãnh đạo nhà trường mà còn đổi mới cách làm việc từ lãnh đạo các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm và cả từng giáo viên bộ môn. Quản lý giáo dục không chỉ quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược. Chỉ có quản lý công việc thì mọi người làm việc mới tự giác và có hiệu quả thật sự, còn quản lý con người thì làm việc chỉ với mục đích đối phó.

          Tăng cường phân cấp quản lý theo hướng tủ chủ, tự chịu trách nhiệm và tự quản. Mỗi vị trí việc làm phải tự lập kế hoạch làm việc, tự tìm giải pháp và tự chịu trách nhiệm về kết quả đạt được ở cuối năm học.

2. Phát triển và bồi dưỡng đội ngũ

          Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

          Tổng rà soát đội ngũ theo từng vị trí việc làm để có kế hoạch bồi dưỡng. Đặc biệt, nâng dần hạng giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II. Cử giáo viên đi học sau Đại học. Đồng thời, tăng cường việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, Ngoại ngữ và tiếng dân tộc để nâng cao chất lượng đội ngũ theo chiều sâu.

3. Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng định hướng năng lực (chuẩn đầu ra)

          Tăng cường việc đổi mới phương pháp, tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy tối đa năng lực của học sinh (phát triển tối đa năng lực cá nhân).

          Tăng cường tổ chức các hội thảo đổi mới phương pháp cấp trường, cấp tỉnh. Chủ động mời các chuyên gia về phương pháp đến để trao đổi, tập huấn cho giáo viên nhà trường.

          Xây dựng hệ thống đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh để sớm phát hiện năng lực học sinh. Từ đó, định hướng học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân.

4. Tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, lao động lao động sản xuất          

Thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 6 và lớp 10 để học sinh có tinh thần khởi nghiệp, sớm định hướng nghề nghiệp và tự rèn luyện bản thân để chuẩn bị những kiến thức, phẩm chất, năng lực cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình.

Hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn và những vướng mắc trong đời sống, học tập và các mối quan hệ phức tạp của xã hội.

Tổ chức cho học sinh đăng kí và hoạt động trong các câu lạc bộ theo sở thích để phát huy năng lực học sinh. Bồi dưỡng niềm đam mê của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xây dựng khu sản xuất theo hướng hiện đại vừa để giáo dục học sinh tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại vừa giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Giúp học sinh tiếp cận với mô hình tổ chức sản xuất hiện đại, hình thành cho học sinh những phẩm chất của một công dân hiện đại, có ý thức sản xuất và sử dụng các sản phẩm sạch.

5. Xây dựng nhà trường là một hệ thống mở, tăng cường hoạt động xã hội hóa giáo dục

          *Xây dựng hệ thống mở:

          Mở về nội dung: Xây dựng chương trình giáo dục nhà trường gồm tri thức khoa học phụ vụ cho phát triển nghề nghiệp do Bộ giáo dục ban hành và quản lý chuẩn và những kiến thức liên quan đến hiểu biết xã hội và đặc trưng vùng miền thông qua chương trình các môn học tự chọn và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

          Mở về phương thức: Những nội dung tri thức khoa học được tổ chức theo các lớp truyền thống; nội dung tự chọn có thể tổ chức nhiều loại hình học tập như online; trải nghiệm; hoạt động nhóm; mô hình học tập STEM; kịch bản vận động…

          *Hoạt động xã hội hóa giáo dục: Tăng cường xã hội hóa giáo dục,  phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Đặc biệt tạo cơ hội để cha mẹ học sinh tham gia vào một số hoạt động giáo dục của nhà trường như dự giờ thăm lớp, sinh hoạt tập thể, tư vấn hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm...Huy động các nguồn tài trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục như xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn; hoạt động thể thao, văn hóa và hoạt động học tập...

6. Tăng cường hoạt động dạy học, giáo dục với các hoạt động nghiên cứu khoa học, trải nghiệm thực tiễn

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập cho giáo viên, học sinh làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm mầm những tài năng đam mê và có năng lực nghiên cứu khoa học. Tạo tiền đề cho những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn, trước hết là ứng dụng vào các hoạt động của nhà trường.

Xây dựng kế hoạch trải nghiệm gắn với liền với kế hoạch giáo dục nhà trường, đăc biệt là dạy học gắn với sản xuất kinh doanh. Đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, tạo sự hứng thú và phát huy tối đa năng lực của học sinh thông qua các hoạt động thực tiễn.

7. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và giảng dạy

Dần hiện đại hóa các khâu quản lý nhà trường, từng bước ứng dụng CNTT vào các khâu như: Quản lý nhân sự, quản lý học sinh, quản lý điểm, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, cổng thông tin điện tử kết nối với cổng thông tin điện tử của ngành, phòng họp trực tuyến, quản lý thư điện tử, camera an ninh, thi trắc nghiệm online...

Ngoài ra, tăng cường hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học để tạo sự hứng thú cho học sinh. Xây dựng nguồn học liệu mở, chia sẻ dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm dạy học thông qua trường học kết nối và website nhà trường.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image